Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Nuôi ốc đồng



    Sản xuất ốc đồng giống và nuôi ốc thịt

    06/11/2006 - 12:53:32

    Vào mùa khô, ốc thường vùi dưới mặt đất 5 - 20cm; khi có nước ngập thì trồi lên sinh sống và phát triển ở môi trường nước. ốc ăn tạp, thức ăn là sinh vật phù du, rêu, rau xanh, cám gạo, nội tạng gia súc, gia cầm và cả phân trâu - bò. ốc cái thường lớn hơn ốc đực. ốc cái có 2 râu duỗi thẳng ra phía trước, ốc đực có râu bên phải cuộn về bên trái. ốc đẻ nhiều lần ở nhiệt độ thích hợp, sinh sản tập trung vào tháng 6-7 khi nhiệt độ nước 20-25 độ C và điều kiện sống phù hợp.
    Sản xuất ốc giống
    Cho ốc đẻ ở ao đất, đáy có bùn mềm, nhiều mùn hữu cơ, mực nước trung bình 0, 5m và tốt nhất là nước có dòng chảy nhẹ. Ao được bón lót bằng phân chuồng, phân gà, phân trâu - bò trộn lẫn với rơm rạ băm nhỏ (tỷ lệ 1/3). Bón phân cho ao nuôi trước khi thả ốc bố mẹ 3 ngày. Mật độ thả 15 -20 con/m2 ao, tỷ lệ ốc đực - cái 1/1. Nên thả ốc vào ao trước mùa sinh sản của ốc. Sau 10 - 15 ngày kể từ ngày thả ốc bố mẹ, có thể bắt ốc con để nuôi riêng. ốc giống có thể bắt ngoài tự nhiên về nuôi. Cần làm nhẹ nhàng, tránh ốc bể vỏ, chết.
    Nuôi ốc thịt
    Ốc nuôi ở ruộng, nước sâu 0,7-1m, nơi cạn 0,2-0, 3m. Có thể nuôi ốc ở mương, ao, ruộng trũng, sông cụt, rừng nước hoặc khoanh vùng đất khi nước lũ tràn về; nên nuôi ghép ốc với cá. Vùng nuôi cần trồng bông súng, rong để tăng độ mát và độ bám của ốc trong môi trường nước. Nước nuôi ốc không bị nhiễm độc nông dược, giàu chất hữu cơ, nước có lưu thông nhẹ càng tốt. Nếu không có bờ bao thì dùng lưới cước bao quanh. 10 ngày trước khi thả ốc cần băm rơm rạ cùng với phân chuồng thả đều ao với tỷ lệ 2kg/m2, bón xong đợi đến khi có bọt nước nổi lên mới thả ốc giống. Mật độ thả 100 - 150 con/m2, ốc cỡ lớn hơn thả 80 - 120 con/m2. Hàng ngày cho ốc ăn cám gạo, bắp, khoai, rau xanh, thịt hến, cá, rắc đều trên phần nông của ao. Có thể cho ốc ăn thức ăn hỗn hợp như bột bắp, cám gạo nấu với bột cá. Lượng thức ăn hàng ngày bằng 10% trọng lượng ốc dưới ao. Cho ăn mỗi ngày 1 lần vào giờ nhất định. ốc lớn, tăng dần lượng thức ăn.
    Quản lý và thu hoạch
    Thu tỉa ốc lớn để lại ốc nhỏ nuôi tiếp trong mùa nước. Vào cuối mùa nước, thu toàn bộ; chọn ốc bố mẹ để nuôi năm sau. Nơi có nhiều phù sa bồi lắng nên thu hoạch vào mùa khô, khi đó chỉ cần cào mặt đất, bắt từng con ốc. Đây cũng là lúc ốc mập nhất.
    Thanh Tùng(Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến ngư quốc gia)


Nuôi ốc bươu thương phẩm 

Cập nhật ngày: 21/11/2011 06:41:11
Từ một món ăn dân dã nơi ruộng đồng, ốc bươu ngày nay đã trở thành món đặc sản tại các quán ăn và nhà hàng sang trọng nơi thành thị. Hiện ốc có giá trên thị trường từ 15.000-25.000 đồng/kg. 
Do đó, nuôi ốc bươu hiện đang là mô hình kiếm ra tiền cho bà con nông dân vùng ngọt hóa. Sau đây là một số kỹ thuật giúp bà con có thể làm giàu từ mô hình này.
* Cho đẻ và ấp trứng
Có thể thu thập ổ trứng ốc đẻ ngoài tự nhiên vào đầu mùa mưa để đem về ấp hoặc mua ốc thịt về nuôi cho đẻ. Ốc cái thường đẻ trứng vào ban đêm. Có thể phân biệt được ốc cái nhờ mày ốc lõm vào trong, kích thước lớn hơn, lỗ miệng tròn và loe ra hơn ốc đực. Nên nuôi ốc trong hố đất có nước và rau cỏ hay lục bình, che bớt nắng lúc ban ngày.
Có thể ấp trứng trong thau, chậu có lót lá hay giấy báo để giữ ẩm bên dưới và nên giữ ấm trong suốt thời gian chờ trứng nở (độ 2 tuần lễ trở lên với tỷ lệ nở khá cao, trên 80%). Lúc mới đẻ, trứng có màu trắng trong và khi sắp nở chuyển sang màu trắng đục. 
Những trứng phát triển tốt sẽ có màu ngày càng đậm hơn. Sau 8-10 ngày, vỏ vôi của trứng sẽ từ từ tan biến thành một khối keo bao bọc một con ốc bên trong. Lúc này ốc con dễ bị tấn công bởi các loài thiên địch như kiến, chim, cá, gia cầm,…
* Cách nuôi ốc
Sau khi nở, ốc con rơi xuống nước và sau vài ngày thì vỏ cứng dần, bắt đầu bò đi tìm ăn các chất hữu cơ đang phân hủy trong nước.
Môi trường để nuôi ốc có thể là thau nhựa, chậu đất, hố đào trong đất hay mương, đìa trong vườn hay ruộng lúa. Nên trải một lớp bùn ao (có nhiều chất hữu cơ) ở dưới đáy và để nước sâu độ 10 cm trở lên. Dụng cụ nuôi phải có nắp đậy thoáng khí hay bao lưới để đừng bị thất thoát hay các loài ăn thịt tấn công và che bớt tia nắng nóng trực tiếp ban ngày.
Tốt nhất là nên nuôi quảng canh trong ao mương vườn hay rẫy mía sẽ cho kết quả khả quan hơn. Để đạt kết quả tốt nhất, bà con cần bảo đảm các khâu sau:
- Làm sạch ao, mương trong mùa nắng để diệt cá dữ hay ốc bươu vàng.
- Đặt cống dẫn nước có lưới bao để tránh sự xâm nhập của ốc bươu vàng hay cá dữ.
- Giữ lớp bùn hữu cơ dày ở đáy ao và có thể bón thêm vôi hay phân lân để trung hòa độ chua của đất.
- Thả rau muống, bông súng hay củ ấu để làm mồi tự nhiên cho ốc ăn.
- Thả ốc cha mẹ vào đầu mùa mưa để cho ốc đẻ.
- Trong suốt quá trình nuôi trong mùa mưa nên cho ăn bổ sung bằng rau cỏ và cả thức ăn nhân tạo hiện đang dùng để nuôi gia súc hay tôm cá (tùy theo nhu cầu).
- Chăm sóc cần thiết như giữ mực nước và bóng mát cho phù hợp, nên bao lưới để tránh cá, chim, rắn ăn thịt, nhất là bìm bịp.
Nuôi bằng cách này thì ốc sẽ được tuyển lựa để thu hoạch dần và sau 1-2 năm có thể nuôi lại từ đầu./.
Kỹ sư Đoàn Hữu Nghị

Kỹ thuật nuôi Ốc lác Pila polita 

25/9/2013, 9:29 (GMT+7)
Ốc lác có tên khoa học là Pila polita, tùy theo từng địa phương mà ốc lác còn được gọi là ốc nhồi, ốc đồng, ốc bươu đen. Trước đây, trong tự nhiên ốc lác rất nhiều, cứ sau mùa nước người dân thu gom ốc mỗi khi rút nước để sạ lúa. Nhưng từ khi xuất hiện ốc bươu vàng thì lượng ốc lác còn sống trong môi trường tự nhiên rất ít do bị cạnh tranh. Để chủ động về nguồn giống và cung cấp cho thị trường, nhiều người dân đã chủ động nuôi ốc lác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ốc lác Pila polita (Ảnh minh họa)
Mấy năm vừa qua, anh Năm Chia ở TP. Cần Thơ nuôi ốc lác trong mùa lũ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trên 3 công ruộng (3.000 m2) anh thường bắt đầu nuôi vào tháng 7 khi mực nước trên sông bắt đầu dâng cao. Sau mùa lũ anh thu được 1.200 - 1.300 kg ốc, bán với giá 13.000 - 15.000 đ/kg. Trừ chi phí anh còn lãi khoảng 15 triệu đồng.
I. Hình thái và tập tính:
- Ốc lác là loài ốc cỡ lớn, mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hay nâu đen, mặt trong hơi tím. Số vòng xoắn 5,5 - 6, các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắn nông. Lỗ miệng vỏ hẹp dài, tháp ốc vuốt nhọn, dài vỏ bóng. Vòng xoắn cuối lớn, chiếm tới 5/6 chiều cao vỏ. Các vòng xoắn trên nhỏ, vuốt nhọn dài. Lỗ miệng vỏ hẹp, dài, chiều rộng bằng nửa chiều cao. Vành miệng sắc, không lộn trái, lớp sứ bờ trụ dày. Lỗ rốn dạng rãnh hẹp dài. Nắp miệng dài, tâm ở khoảng giữa, gần cạnh trong. Vỏ ốc có lớp canxi ở phía trong và lớp vỏ sừng màu xanh đen hay ánh vàng ở phía ngoài.
- Trong ao nuôi, ốc thường nổi lên mặt nước để thở, khi có tiếng động liền thu mình lại vào vỏ và lặn xuống sâu. Mùa nóng hay mùa lạnh, ốc hay nổi lên mặt nước, ốc lác vừa có mang vừa có phổi nên chịu được khô, buổi sáng ốc thường ở gần bờ ao, ruộng, trưa rút xuống sâu và ra xa bờ hơn. 
- Ốc lác là loài ăn tạp, có phổ thức ăn đa dạng, chúng ăn lá của thực vật bậc cao, rêu bám trên đá, thực vật phù du, và cả mùn bã hữu cơ, phân trâu, bò. Ngoài ra, ốc lác còn ăn cả những thức ăn nhân tạo như bột cám gạo, bột đậu tương, bột ngô,…
II. Kỹ thuật nuôi ốc lác:
- Ở ĐBSCL, nuôi ốc lác thích hợp nhất là vào mùa lũ, vì vào mùa này chất lượng nước rất tốt, phù sa nhiều, nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc rất phong phú.
1. Chuẩn bị ao nuôi:
- Ốc lác có thể nuôi trong ruộng, trong ao hay ở mương, mực nước sâu từ 0,8 - 1 m. Tốt nhất là nuôi trong ruộng có bờ bao cao hơn đỉnh lũ khoảng 0,5 m. Có điều kiện có thể nuôi ốc chung với các loài cá vì chúng không cạnh tranh thức ăn của nhau. Ruộng hoặc ao nuôi cần trồng thêm các loài thực vật thủy sinh như rau nhút, bông súng, rong để tăng độ mát và độ bám của ốc trong môi trường nước.
- Nước nuôi cần phải sạch, không bị nhiễm độc nông dược, giàu chất hữu cơ, nước có lưu thông nhẹ càng tốt. Trường hợp ruộng nuôi không có bờ cao thì dùng lưới cước bao quanh.
2. Kỹ thuật nuôi:
- Trước khi thả ốc cần bón phân chuồng với lượng 2kg/m2, bón xong đợi đến khi có bọt nước nổi lên mới thả ốc giống. Mật độ thả 100 - 120 con/m2, ốc cỡ lớn hơn thả 80 con/m2.
- Hàng ngày cho ốc ăn cám gạo, bắp, khoai, rau xanh, thịt hến, cá, khi cho ăn nên rắc đều trên phần nông của ao. Có thể cho ốc ăn thức ăn hỗn hợp như bột bắp, cám gạo nấu với bột cá. Lượng thức ăn hàng ngày bằng 10% trọng lượng ốc dưới ao. Cho ăn mỗi ngày 1 lần vào giờ nhất định. ốc lớn, tăng dần lượng thức ăn.
- Có thể đặt sàn ăn ở nơi ốc tập trung nhiều nhằm theo dõi khả năng ăn của ốc để điều chỉnh lượng thức ăn cho thích hợp. Khi nước lớn có nhiều thức ăn tự nhiên thì giảm bớt lượng thức ăn hàng ngày.
3. Phương pháp nhân giống:
- Cho ốc đẻ ở ao đất, đáy có bùn mềm, nhiều mùn hữu cơ, mực nước trung bình 0,5m và tốt nhất là nước có dòng chảy nhẹ. Ao được bón lót bằng phân chuồng, phân gà, phân trâu, bò trộn lẫn với rơm rạ băm nhỏ (tỷ lệ 1/3). Bón phân cho ao nuôi trước khi thả ốc bố mẹ 3 ngày. Mật độ thả 15 - 20 con/m2 ao, tỷ lệ ốc đực - cái 1/1. Nên thả ốc vào ao trước mùa sinh sản của ốc. Sau 10 - 15 ngày kể từ ngày thả ốc bố mẹ, có thể bắt ốc con để nuôi riêng.
- Ốc giống có thể bắt ngoài tự nhiên về nuôi, bắt ốc nhẹ nhàng, tránh ốc bể vỏ, chết.
3. Thu hoạch:
- Theo dõi tốc độlớn của ốc để thu hoạch sau khi nuôi vài tháng, khi ốc đạt kích cỡ 3 - 4 cm. Thu ốc lớn để lại ốc nhỏ nuôi tiếp trong mùa nước. Vào cuối mùa nước, thu toàn bộ; chọn ốc bố mẹ để nuôi năm sau.
- Nơi có nhiều phù sa bồi lắng nên thu hoạch vào mùa khô, thời điểm này là lúc ốc có chất lượng tốt nhất.
KS.Phương Thanh (Trại cá giống Trà Nóc)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Subscribe to our Newsletter

Contact our Support

Email us: Support@templateism.com

Our Team Memebers